Trang Chính
- Xã Hội
- Kinh Tế
- Thế Giới
- Pháp Luật
- Giáo Dục
- Khoa Học
- Công Nghệ Thông Tin
- Sức Khỏe
- Nhịp Sống Trẻ
- Sinh Viên
- Lao động - Việc làm
- Từ trái tim đến trái tim
- Nghệ Thuật Sống
- Văn Hóa - Giải Trí
- Thể Thao
- Du Lịch
- Bạn Đọc Viết
  Nhịp Sống Trẻ

"Khoa học cũng phải đẹp và bay bổng"

Đoàn An Hải và con trai Đoàn An Sơn trong ngày tốt nghiệp tiến sĩ - Ảnh: H.A.
TT - Luận án của An Hải mang tên “Chuyển dịch tự động giữa các ngôn ngữ xử lý thông tin” (Learning to translate between structured representations of data), giải quyết vấn đề tìm kiếm thông tin trên mạng một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất. Anh được trao giải luận án tiến sĩ xuất sắc nhất năm 2003

Bạn hình dung thế này: bạn vào mạng và mở phần mềm của An Hải ra. Để tìm thông tin về số lượng người Việt du học tại Mỹ, bạn chỉ cần đánh nguyên một câu hỏi thân thiện: Có bao nhiêu người Việt du học tại Mỹ?

Khác với các công cụ tìm kiếm hiện nay, phần mềm của anh đưa ra câu trả lời luôn chứ không phải chỉ đưa ra đường dẫn (địa chỉ Internet), bạn khỏi phải mò mẫm tiếp.

Giai đoạn hiện nay, phần mềm của anh mới chỉ hỏi được với tiếng Anh nhưng trong tương lai, khi tác giả đã làm chủ được về mặt công nghệ, bạn có thể hỏi bằng bất cứ ngôn ngữ nào bạn thích. Phần mềm có tiện ích tìm kiếm với hàng trăm ngôn ngữ và đưa ra kết quả bằng ngôn ngữ của câu hỏi.

Có vẻ như bạn đang giao tiếp với con người? Gần như vậy, vì mục tiêu lâu dài của đề tài là dùng các kỹ thuật trong ngành trí tuệ nhân tạo và xử lý thông tin để chuyển dịch giữa các ngôn ngữ mà các nguồn thông tin khác nhau sử dụng.

Nói cách khác, những người “bình dân” nhất có thể đặt câu hỏi và được trả lời ngay. Đây là vấn đề nóng bỏng và quan trọng bậc nhất hiện nay trong ngành thông tin - nó có thể là công cụ vượt hàng rào ngôn ngữ.

An Hải là người đầu tiên trong ngành này và cũng là một trong hai người châu Á (người còn lại quốc tịch Trung Quốc) được trao giải luận án tiến sĩ xuất sắc nhất từ khi giải này ra đời 20 năm qua.

Từ trường làng đến trí tuệ nhân tạo

Đoàn An Hải học cấp II trường làng ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Sau đó anh học chuyên toán ở Trường chuyên Phan Bội Châu, Vinh, Nghệ An.

Năm 1987, anh sang Hungary học ĐH ngành tin học ở ĐH Kossuth Lajos và bắt đầu làm quen máy tính từ đó, trên những máy móc cổ lỗ sĩ của Nga.

“Nhưng thời ấy tôi không có thời gian quan tâm lắm đến máy tính vì 80% thời gian tôi phải đi kiếm tiền gửi về quê” - Hải kể. Ở nhà, hai cụ thân sinh ra anh đã về hưu mà hai người em thì đang tuổi ăn, tuổi học. Thế nhưng anh vẫn tốt nghiệp với tấm bằng đỏ, đứng đầu lớp.

Cho đến khi sang Mỹ năm 1993 (An Hải được cấp học bổng, là một trong những du học sinh VN đầu tiên ở Đông Âu) học thạc sĩ tại ĐH Wisconsin, rồi tiến sĩ tại ĐH Washington, máy tính mới có sức hút mãnh liệt đối với anh.

An Hải nói: “Những gì máy tính đã làm được và sẽ làm được thật sự kích thích trí tưởng tượng và tạo ra những khả năng mới cho nhân loại”.

Trong hai năm 2002-2003, anh đã có 14 đề tài báo cáo tại gần 20 hội nghị quốc tế, trong đó có nhiều hội nghị hàng đầu về ngành công nghệ thông tin.

Năm vừa qua, trong hơn 300 lá đơn gửi vào ĐH Illinois để xin việc, chỉ có sáu người được chọn, trong đó có An Hải. Anh nói: “Làm giáo sư ĐH thì có thời gian để nghiên cứu và có SV để truyền đạt các ý tưởng của mình”.

Truyền đạt về sự bay bổng và ước mơ, vì với anh có như thế mới có sáng tạo và tìm ra được những lời giải mang tính đột phá. Khoa học trong mắt An Hải không hề khô khan mà có nhiều tính chất giống nghệ thuật và văn thơ, có khả năng nhận ra và làm ra cái đẹp.

Anh cũng dạy SV phải biết trau dồi khả năng truyền đạt thông tin với người khác. “Đây là một khả năng còn yếu của SV VN” - anh nhận xét.

Trong luận án tiến sĩ, ở mục cảm ơn anh đã ghi những dòng trang trọng dành cho con trai và vợ - chị Nguyễn Thu Nhung, đang học thạc sĩ ngành kinh tế ĐH Columbia (New York),  người đã giành giải quyết hết chuyện đời thường để anh tập trung nghiên cứu.

Anh thường hay nói đùa với chị: “Nếu các công trình nghiên cứu và chương trình máy tính của anh mà đẹp được như em thì chắc sẽ rất hay, nhưng nếu chúng nó mà cũng hay nhõng nhẽo như em chắc sẽ rất là mệt”.

18 năm xa quê, vẫn giữ quốc tịch VN

Chị Nhung nhắc nhớ đến tết VN trên đất Mỹ của vợ chồng chị khi còn ở Seattle (nơi anh An Hải học ĐH Washington). Nơi ấy có chùa VN nên đêm giao thừa họ thường tới đây “ngửi mùi pháo và ho sặc sụa trong khói pháo”, rồi mua hoa ở chùa hoặc hái lộc xuân mang về nhà. Căn nhà thuê của họ có một cây đào bích, thường ra hoa vào dịp tết âm lịch nên mấy năm liền họ đều có hoa đào cắm.

18 năm xa VN, An Hải vẫn nhớ như in hình ảnh làng chài ven biển Quỳnh Tiên, Nghệ An - quê ngoại của anh. “Hồi đó tôi chả học hành gì, suốt ngày đi xuống các tàu thuyền chơi, đi ra sông tắm và buổi tối đi nghe người lớn ngồi ngoài sân hóng mát, kể chuyện” - anh nhớ quê. Và nhớ mẹ, nhớ năm học lớp 4 mẹ anh đưa anh đi thi học sinh giỏi, ở nhà trọ, cả đêm hễ lúc nào anh chợt thức giấc là vẫn thấy mẹ đang ngồi đuổi muỗi và quạt cho mình ngủ.

An Hải nói VN là quê cha đất tổ của anh và anh sẽ trở về VN thời gian tới. Chính vì thế nước Mỹ chấp nhận nhập quốc tịch cho anh nhưng hiện tại anh vẫn mang quốc tịch VN.

ĐẶNG TƯƠI

  Bản in    Phản hồi      Gửi tới    Về đầu trang

 
Một lá thư tình - ( 04/02 )
Những ý tưởng tặng quà Valentine - ( 04/02 )
Vạch đường đi cho... rác - ( 04/02 )
Sinh viên Brazil gốc Phi và tiếng gọi cố hương - ( 04/02 )
Bình Định: 63 triệu đồng tặng thanh thiếu nhi tỉnh Điện Biên - ( 04/02 )
Công ty điện thoại Đông đoạt giải nhất - ( 04/02 )
Những công nhân trên giảng đường - ( 04/02 )
Chào tiểu thư! - ( 03/02 )
Sinh viên Việt Nam tại Úc khai trương nhiều hoạt động - ( 03/02 )
Khi cát thành tranh - ( 03/02 )
   Lao động - Việc làm
  - Phong phú việc làm cho thanh niên ngoại thành sau tết  
  - Cầu tăng vọt, cung không đáp ứng nổi  
   Nghệ Thuật Sống
  - Hãy là một người yêu đời  
  - Dải băng màu đỏ  

Copyright © 2003 Tuổi Trẻ Font Unicode |  Quảng Cáo |  Đặt Báo |  Hướng Dẫn |  Liên Hệ Powered by Vega Technologies