Hoa Lông Chông Trên Cát
Đoàn An Hải, Tháng Sáu, 1997

Tôi không hiểu thành ngữ "hoa lông chông" đi vào trí nhớ và ám ảnh tôi từ khi nào. Hoa lông chông là một loại hoa có thật chăng? Tôi cũng không biết. Chỉ nhớ lờ mờ rằng hồi bé tôi xem một bộ phim VN có tựa đề dường như là "Hoa Lông Chông Trên Cát". Bộ phim kể về số phận những con người ở một vùng biển miền Trung sau chiến tranh, cuộc sống trải dài, vật vờ như những bông hoa lông chông khô cằn bị gió ném qua lại trên những đụn cát bờ biển. Tên hoa có phải là "lông chông" hay không, hoa có thật ngoài đời không hay chỉ trong trí tưởng tượng của những người làm phim? Đến giờ tôi vẫn không biết.

Nhưng hình ảnh hoa lông chông đã vĩnh viễn đi vào tâm khảm tôi khi tôi tới vài bãi biển miền Trung, và thấy một loại cỏ dại, thân dài và mềm như thân lúa, mọc đầy trên các cồn cát. Mỗi lần gió lào ập tới, xoáy cát quất vào mặt và đè rạp cỏ xuống, lại giật ra rất nhiều hoa. Những bông hoa cỏ to, khô và nhẹ như bông quay cuồng trong gió, rồi rơi xuống bãi biển. Gió xô đẩy hoa tròn như một quả cầu trên cát, lúc dừng, lúc ngập ngừng lăn, lúc chạy tít như đang trốn chạy điều gì. Cuối cùng, hầu hết những bông hoa khô xơ xác này đều chạm mặt nước, sóng cuốn lấy đẩy ra xa, hoa lại dập dềnh làm trò chơi cho sóng biển.

Hoa lông chông đấy chăng?

Đã bao năm rồi tôi xa mảnh đất miền Trung dữ dội gió Lào và xa những bông hoa tôi vẫn thầm gọi hoa lông chông trong tâm trí. Những năm tháng du học sinh Đông Âu đáng ra trôi đi trong đơn điệu học hành và những buổi đi chơi vô tư của đời sinh viên thì bỗng chốc chìm trong một cuộc giành giật đỏ đen quyết liệt.

Tôi và nhiều bạn bè khác lao vào những cuộc buôn bán, đánh quả, đưa hàng đi hàng về, những cuộc tính toán lạnh lùng và lừa nhau trắng trợn. Những buổi đầu bán chợ, hai chân cóng trong tuyết; những ngày lái xe chạy như điên đưa hàng, những cú đổi đô vội vã và lén lút trong toilet, những lần chạy cảnh sát dưới ga xe điện ngầm, những tối không ngủ ngồi xếp hàng để mờ sáng đã lên đường đi chợ xạ Nỗi nhọc nhằn buôn bán được dập trong những cuộc tiệc tùng, bài bạc thâu đêm, để sáng hôm sau nghe tin đồn thằng này vừa bị công an tóm, thằng kia tai nạn ô tô trên đường đi chợ liệt nửa người, thằng nọ đổi đô bị bọn Ả giết cướp tiền... Để rồi giật mình tự hỏi sao đến nông nỗi này, ta và bè bạn đang mơ hay đang tỉnh trong cuộc chơi đỏ đen này đây?

Rồi Đông Âu bỗng chuyển mình, sục sôi và dữ dội. Cơn lốc mang đến những thay đổi về chính trị và xã hội cũng cuốn bạn bè tôi và bao người Việt khác mỗi người một ngả. Người bỏ học chạy đi chen chúc trong các trại tỵ nạn, kẻ may mắn hơn qua được các nước phương Tây làm việc; người lần hồi vượt biên giới Nga, kẻ thành công, kẻ chết ngạt trong những toa tàu hàng lên nhầm...

 

Những tiến sĩ, phó tiến sĩ bỗng chợt dừng tay khuân hàng ra chợ cho vợ bán, thầm tính phải chăng đã đến lúc có thể bỏ buôn bán về được VN làm ăn sinh sống hay nên đi tiếp sang một nước phương Tây nào đó làm khoa học...

 

Rời một Đông Âu với bạn bè mỗi người một ngả, kẻ mất kẻ còn, tôi sang Mỹ học tiếp. Thời gian phần lớn tôi phải miệt mài trong các phòng máy, nhưng cũng đủ để thoáng thấy những dòng đời đau thương, phiêu bạt của dân VN mình ở xứ này. Ở Wisconsin, hôm tôi đến chơi nhà một người VN làm ở trường đại học, tôi chợt chú ý tới một bức tranh chụp cô đứng với bốn đứa trẻ, ba trai một gái. Thấy tôi nhìn, cô giải thích bằng một giọng ráo hoảnh: "Bọn nhỏ đó. Đứa lớn này đi lính mất năm 80, đứa thứ hai này vượt biên cùng người ta, cả thuyền bị mất tích, tới giờ không biết nó còn hay chết. Nếu nó còn sống thì cũng bằng tuổi cháu rồi đó. Còn hai đứa nhỏ này giờ qua được đây đang đi học. Bọn nó chơi quá trời mà không chịu học hành gì cả, về nhà tiếng Việt cũng không thèm nói với cô chú...".

 

Năm ngoái, về thăm nhà tôi có dịp gặp lại bạn bè cũ cùng trường sau 10 năm xa cách. Cơn lốc đổi thay và kinh tế mở cửa ở VN cũng gây xáo động ghê gớm trong đám bạn của tôi. Kẻ về làng an phận "bán lưng cho trời, bán mặt cho đất", kẻ lên như diều, vào mở công ty trong Sài Gòn, kẻ còn hỳ hục dùi mài đèn sách, kẻ lại cạy cục qua Đông Âu nối tiếp con đường buôn bán xưa kia, kẻ thất nghiệp nằm nhà nhờ bạn bè trợ giúp, kẻ đã ra người thiên cổ...

 

Tôi có hy vọng một ngày nào đó, trong số chúng ta đây sẽ có người viết được một tiểu thuyết về thế hệ chúng ta, những người lớn lên hoặc trưởng thành sau chiến tranh, trong cơn lốc quay cuồng đổi thay của dân tộc và thế giới. Viết về chúng ta như một thế hệ chuyển tiếp, một mảnh gương soi cả bóng một Việt Nam nặng nề của quá khứ và một Việt Nam bớt đau khổ hơn của tương lai. Viết về những gánh nặng quá khứ và cơn lốc đổi thay đã ném những người thế hệ chúng ta đi khắp mọi nơi, làm khắp mọi nghề, chịu bao đau khổ trên khắp hoàn cầu này như thế nào. Hy vọng một tiểu thuyết thế này sẽ là một phần lời tâm huyết chúng ta để lại cho các thế hệ sau, cho con cháu chúng ta biết có những tháng năm, có những số phận như thế...

 

Và tôi có đề nghị nên đặt tên cho tiểu thuyết này là "Hoa Lông Chông Trên Cát".

 

Với dòng chú thích bên dưới: "Hoa lông chông là một thứ hoa thường gặp ở các bãi biển miền Trung. Hoa khô, nhẹ và tròn, thường bị cuốn đi bay vật vờ khắp mọi nơi mỗi khi gió lào ập tới".